Địa Tạng Phi Lai ở đâu?
Chùa Địa Tạng Phi Lai nằm ở thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm. Trước đây, chùa có tên là Đùng, được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 11. Tới năm 2015, chùa được tu tạo và đổi tên thành Địa Tạng Phi Lai nghĩa là Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn đến nơi này. Chùa có địa thế sơn thủy hữu tình với địa thế tọa lạc trên một quả đồi nhìn ra cánh đồng lúa bát ngát, lưng tựa vào đồi thông, xung quanh bốn hướng đều được thiên nhiên bao bọc. Có lẽ đây cũng là một phần trong số những lý do mà ngôi chùa bị bỏ không trong suốt một thời gian dài, sự sự heo hút, rậm rạp trước khi được tu sửa và du khách biết đến như ngày nay.
Địa Tạng Phi Lai Tự mang vẻ đẹp cổ kính, bình yên
Du khách lần đầu tìm đến thăm chùa, sẽ không khỏi bất ngờ bởi phần sân trước khuôn viên chùa được trải sỏi màu trắng, ngay trước tổ đường, 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người. Sỏi trắng mang ý nghĩa của sự thiền định, dạo quanh khuôn viên, nhìn những viên sỏi trắng tinh khiến lòng người trở nên thanh thoát hơn bao giờ.
Giống như bố cục của các ngôi chùa truyền thống, lớn nhất là tòa Tam Bảo. Tượng Đức Địa Tạng hiện lên sự hiền nhưng toát lên vẻ uy nghiêm, đặt trong tổng thể kiến trúc hài hòa lấy màu nâu, vàng, trắng làm chủ đạo.
Bên phải tòa Tam bảo là nhà thờ Tổ, nơi tôn nghiêm thờ 42 đời tổ sư từng trụ trì tại chùa. Ngoài ra còn có tòa điện nhỏ thờ Phật Bà Quan Thế Âm đặt giữa hồ sen, Đức Ông và Đức Thánh Hiền, khu nhà ở (dành cho Tăng ni – Phật tử ở trong chùa), khu giảng đường nơi các Tăng ni - Phật tử nghe sư trụ trì giảng đạo hàng ngày và diễn ra các khóa tu tại đây, khu nhà khách dành cho những du khách thập phương và những người tham gia các khóa tu, các trải nghiệm tại chùa.
Trong ngôi chùa còn lưu lại nhiều cổ vật linh thiêng và linh vật phát lộ tự nhiên mang tính lịch sử được tìm thấy trong quá trình xây dựng như: tượng hình chim Garuda, ngói mũi hài, chân tảng hoa sen, gạch hình rồng, bia khắc đá viền công phượng và nhiều đồ gốm sứ khác…
Ngoài ra, ở đây có xây một căn phòng riêng rộng khoảng 20m2. Nơi đây để những lương thực, thực phẩm sạch để làm thực phẩm chay. Bên cạnh đó, nơi đây chính là thiên đường cho những ai yêu thích đọc sách. Các bức tường xung quanh được phủ kín sách với số lượng khá lớn.
Các hoạt động đặc trưng của chùa Địa Tạng Phi Lai tự
Vào những ngày đầu năm, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự sẽ trang trí nhiều hoa tươi rực rỡ cho ngày Tết cổ truyền. Đến khoảng 9-10 tháng Giêng Âm lịch, chùa lại tái hiện cung cảnh chợ quê với nhiều mặt hàng đặc trưng.
Vào tháng 6-7, Địa Tạng tổ chức các khóa tu mùa hè. Đặc biệt vào 30/7 Âm lịch, nơi đây còn diễn ra hoạt động Lễ Vu Lan, lễ Vía ngài Địa Tạng Bồ Tát. Vào Tết Trung thu 15/8 Âm lịch, bạn có thể tới đây để ngắm trăng tròn trong khoảng không thênh thang.
Du lịch Hà Nam tự túc - cách di chuyển đến Địa Tạng Phi Lai Tự
Nếu xuất phát từ Hà Nội bằng xe máy, đi theo quốc lộ 1A cũ qua Thường Tín, Phủ Lý Hà Nam và theo Google Map là “Chùa Địa Tạng (chùa Đùng), Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam” là tới.
Còn nếu du khách đi ô tô tự lái, thì đi hướng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, rời cao tốc ở điểm Liêm Tuyền – Hà Nam, di chuyển đến quốc lộ 1A cũ đến cây xăng Kim Cường - Thanh Liêm, Hà Nam, rẽ vào Ngã Ba Xuân Trường và có thể tìm theo google map đi tiếp 5km là tới chùa.
Với lối kiến trúc cổ độc đáo, không khí trong lành, mát mẻ, mùi hương lúa chín thoang thoảng, tiếng chim hót, tiếng suối chảy, không gian yên bình lại thanh tịnh... mọi thứ như đưa ta về với quê hương, với cội nguồn... An yên vô cùng!
(Nguồn bài viết: Sưu tầm và tổng hợp
@camnangdulich #camnangdulich)